Dự kiến, thành phố dùng 11 lô đất thuộc khu chức năng số 3,4 (khu đô thị mới Thủ Thiêm) với tổng diện tích gần 100.000 m2 (ước tính giá trị khoảng 3.200 tỷ đồng) để thanh toán chi phí xây lắp và thiết bị của cầu Thủ Thiêm 4.
Còn quỹ đất để thanh toán cho kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng phía quận 7 và các chi phí khác, gồm: số 462-464 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, gần 1.200 m2); 1310 Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức, 5.300 m2); số 11 đường Linh Trung (hơn 11.700 m2); số 540/21 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, 7.000 m2) và khu đất tại cảng Tân Thuận hiện hữu sau khi di dời.
Theo UBND TP.HCM, việc đầu tư dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nhằm giải tỏa áp lực giao thông từ phía quận Bình Thạnh, quận Thủ Đức qua phía các quận 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động của các bến cảng trên địa bàn quận 4 và quận 7; kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của TP và quận 4, quận 7, tạo điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Nam TP.HCM.
Cầu dài hơn 2,1 km, tĩnh không 10 m, thiết kế dạng dây văng gồm phần cầu chính nối quận 2 và 7 với 6 làn xe; phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh – cầu Tân Thuận 2; hai nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát.
Vị trí sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 và một phần đất dành để hoán đổi cho nhà đầu tư trong tương lai
Trước đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt – Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 – Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 tự cân đối chi phí, nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BT). Đến nay, liên danh này đã hoàn thành nghiên cứu đề xuất dự án. Các sở, ngành liên quan của Thành phố đã kiểm tra và xác định liên danh này có đủ điều kiện và năng lực tài chính, có tổng vốn chủ sở hữu đảm bảo theo quy định để thực hiện Dự án.
UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (nhóm 5) giai đoạn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 theo hướng di dời các cầu cảng K12, K12A, K12B, K12C, K12C1 hiện hữu đến vị trí quy hoạch phù hợp tại cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. TP.HCM sẽ đầu tư cảng mới, di dời cảng Tân Thuận.
Đơn vị đề xuất dự án sẽ chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện xây dựng cảng mới tại Hiệp Phước, di dời cảng Tân Thuận và đầu tư Xây dựng cầu Thủ Thiêm 4. Khu vực bến cảng Tân Thuận hiện hữu sẽ được chuyển đổi công năng phù hợp với quy hoạch chung của thành phố.
Để giảm thiểu ảnh hưởng khi xây dựng và khai thác cầu Thủ Thiêm 4 khi cảng Tân Thuận chưa được di dời toàn bộ, UBND TP.HCM cũng kiến nghị phương án cho phép cảng Sài Gòn được khai thác khu bến cảng Tân Thuận hiện hữu như là bến ICD chuyển tải hàng hóa ra khu cảng Hiệp Phước với sà lan vận tải có tĩnh không yêu cầu nhỏ hơn 10m.
Theo Thời đại