Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng đã kết thúc vào chiều tối hôm qua, với 27 biên bản ghi nhớ về đầu tư và cam kết thực hiện dự án được ký kết với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 274.218 tỷ đồng, tương đương với hơn 12,85 tỷ USD.
Trong đó, nhiều “đại gia” địa ốc trong và ngoài nước muốn “rót” hàng nghìn tỷ đồng đầu tư những dự án BĐS nghỉ dưỡng cao cấp.
Các dự án đầu tư khách sạn, du lịch, vui chơi, giải trí cũng được ký kết đầu tư. Cụ thể, UBND thành phố ký với Tập đoàn SunGroup về triển khai đầu tư quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp và vui chơi giải trí đảo Cát Bà, tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng.
UBND thành phố cũng ký với Tập đoàn BRG về việc mở rộng sân golf Đồ Sơn 36 lỗ, tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng.
Tập đoàn Đầu tư McKinley Hàn Quốc ký kết đầu tư vào Hải Phòng, triển khai khu nghỉ dưỡng phức hợp và nhà máy điện mặt trời với tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.
Nhân sự kiện này, Tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án toà tháp cao nhất khu vực Bắc Bộ. Tòa tháp thuộc Dự án khu đô thị Vinhomes Riva City là tổ hợp khối trung tâm thương mại (TTTM) – dịch vụ hiện đại và khách sạn 5 sao đẳng cấp với tổng diện tích hơn 30.000 m2. Mặt trước của công trình hướng ra quảng trường khu đô thị Vinhomes Riva City rộng 8,2 ha với cây xanh và sông hồ khoáng đạt.
Một số cam kết đầu tư đáng chú ý khác cũng được ký kết, theo đó Tập đoàn Xuân Thành sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Bắc sông Cấm, tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng; Tập đoàn FLC sẽ triển khai Dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Đồ Sơn, tổng vốn đầu tư 5.300 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Him Lam cam kết tiến độ Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp và Khu hậu cần nghỉ dưỡng tại Hòn Dấu, Đồ Sơn, tổng vốn đầu tư 4.983 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng, thời gian qua, từ cơ sở hạ tầng giao thông, đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Hải Phòng thực sự đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời cũng sẽ là một điểm đến thành công của các nhà đầu tư.
Về lĩnh vực hạ tầng cơ sở, khu công nghiệp, tại Hội nghị này UBND thành phố đã ký với Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn về đầu tư phát triển Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD; ký với Tập đoàn Phúc Lộc về đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, tổng vốn đầu tư 14.268 tỷ đồng.
Hải Phòng cũng ký kết hợp biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư và khai thác 7 cầu cảng tại Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ, tổng vốn đầu tư 6000 tỷ đồng; đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển qua thành phố Hải Phòng theo hình thức PPP, tổng vốn đầu tư 3.250 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Hải Phòng ký với Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hải Phòng hợp đồng tín dụng trị giá 203 triệu USD để đầu tư xây dựng Hợp phần B – Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Hải Phòng cũng ký kết hàng loạt các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao có thể kể đến như Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD; 02 dự án sản xuất vỏ bao công nghệ cao và vật liệu xây dựng đúc sẵn với tổng vốn đầu tư 24 triệu USD của Công ty Xi măng Chinfon,…
Trong 6 tháng, Hải Phòng là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 22 dự án cấp mới và 17 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,742 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư. Hà Nội đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,63 tỷ USD, chiếm 14,45%.
Theo Cafef.vn