Băn khoăn bán đất công
Sáng 30/12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2017.
Tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM đề nghị rà soát, sắp xếp các địa chỉ nhà đất để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ bán chỉ định và bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản theo các phương án đã được phê duyệt với 1.033 mặt bằng nhà đất trên địa bàn TP ( khối TP 245 mặt bằng, khối quận huyện 788 mặt bằng).
Ngoài ra, bà Thắng còn đề xuất rà soát lại toàn bộ quỹ nhà tái định cư trên địa bàn, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư đến nay chưa bố trí được để thu hồi vốn ngân sách tạm ứng, tránh xuống cấp gây lãng phí.
Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM khẳng định, không ủng hộ việc bán đấu giá quyền sử dụng đất công (nói cụ thể hơn là bán đất công) để tạo nguồn ngân sách cho TP.HCM.
Theo PGS.TS Ngãi, TP.HCM cần phải giữ quỹ đất công này để phục vụ cho các dự án công sau này. Hơn nữa việc bán này rất dễ xảy ra tiêu cực, khó mà kiểm soát được.
Các chuyên gia chưa đồng tình với chủ trương bán đấu giá đất công của TP.HCM để tăng ngân sách. Ảnh minh họa
“Khó khăn về ngân sách, TP.HCM cần có giải pháp thích hợp, tăng cường kiểm soát thu và chi, chỉ chi những dự án thực sự mang lại hiệu quả, thực hiện các dự án đầu tư phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn, ngưng tất cả những dự án không hiệu quả”, PGS.TS Ngãi nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia ủng hộ phương án bán đấu giá quỹ nhà tái định cư chưa bố trí hết. Theo ông Ngãi, việc xây dựng hàng loạt nhà tái định cư nhằm giải quyết nhà ở cho những người bị thu hồi đất là sai lý thuyết kinh tế, đó là nguyên nhân làm cho nhiều nhà tái định cư không bố trí được.
“Người bị thu hồi đất muốn được bồi thường đầy đủ bằng tiền và họ sẽ tự chọn lựa chỗ ở mới phù hợp sinh kế của họ, không thể ép họ vào những nơi mà họ không thích. Khi có tiền, họ sẽ tự tái định cư theo cơ chế thị trường. Việc tái định cư vừa qua không hiệu quả và không được đồng thuận của người bị thu hồi đất, nhiều người nhận nhà rồi bán lại cho người khác.
Do đó, để khắc phục tình trạng trên, TP.HCM đề xuất thanh lý quỹ nhà trên là đúng, cần làm ngay để chống lãng phí. Cần chấm dứt ngay việc xây nhà hoặc đất tái định cư, chỉ cần bồi thường cho người bị thu hồi đất đúng giá thị trường, thì họ chấp nhập ngay”, PGS.TS Ngãi nêu quan điểm.
Cùng đưa ý kiến, TS LS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, đề xuất trên của đại diện Sở Tài chính ở một khía cạnh nào đó có thể cân nhắc xem xét.
Phân tích kỹ hơn việc này, TS Tín khẳng định, TP.HCM không chỉ là đầu tàu cả nước về kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng cho cả khu vực phía Nam. Tuy nhiên thời gian qua, vấn đề đầu tư cơ sở hạ tầng cho bệnh viện, trường học, lên phương án chống ngập lụt, kẹt xe vẫn gặp nhiều khó khăn do nguồn ngân sách hạn hẹp. Khi Chính phủ, Quốc hội cắt ngân sách của thành phố được giữ lại từ 23% xuống còn 18% thì vẫn khẳng định sẽ có thêm những nguồn đầu tư khác từ ngân sách Trung ương cho việc các cơ sở hạ tầng hay các khoản đầu tư của TP.HCM.
“Cơ sở hạ tầng của nhà nước, đặc biệt ở TP.HCM tôi thấy còn rất nhiều. Thậm chí nhiều vị trí đắc địa, vị trí vàng nhưng thời gian qua bị bỏ hoang, chưa được đầu tư và sử dụng hiệu quả. Trong khi nhu cầu sử dụng theo tôi đánh giá là rất lớn.
Đề xuất trên là hợp lý không chỉ tăng thêm nguồn thu của ngân sách mà cũng phù hợp trong điều kiện xã hội hóa các khoản đầu tư của nhà nước. Xã hội hóa có nhiều cách. Một là kêu gọi thêm các nguồn vốn tư nhân trong nước và các nguồn vốn từ nước ngoài. Thứ hai, đấu giá những cơ sở hạ tầng mà nhà nước không cần sử dụng.
Chúng ta chỉ cần lưu ý về thủ tục pháp lý, giấy tờ thôi. Khi giấy tờ, các cơ sở pháp lý đầy đủ thì tôi cho rằng nhu cầu với những mặt bằng đó sẽ nhiều chứ không hề thấp”, TS Tín nhấn mạnh.
Cần tạo giải pháp lâu dài, bền vững
Tiếp tục phân tích, TS Bùi Quang Tín đồng tình với quan điểm, đấu giá hơn 1.000 mặt bằng nhà đất nhằm thu thêm ngân sách cho TP.HCM không phải là giải pháp bền vững, lâu dài.
Theo vị chuyên gia, nếu TP lựa chọn biện pháp này thì trong một thời gian ngắn quỹ đất dành cho công viên, bãi đỗ xe, công trình văn hóa, công cộng sẽ cạn kiệt.
“Hiện giờ không gian sống của người dân trong thành phố đang rất chật chội. Cho nên việc đấu giá hơn 1.000 mặt bằng cũng cần phải cân nhắc đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, những vấn đề phát triển công viên, khu vui chơi giải trí… Lãnh đạo thành phố phải cân đối hài hòa giữa lợi ích của chính quyền và đảm bảo cuộc sống, không gian sinh hoạt của người dân”, TS Tín nhấn mạnh.
Để làm được điều này, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng chính quyền cần phải hỏi ý kiến rộng rãi của người dân cũng như xin ý kiến từ Trung ương để có những quyết định đúng đắn, phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.
“TP.HCM hiện nay không chỉ người dân TP sống mà còn nhiều tỉnh, thành khác cùng về cư trú, làm việc. Cho nên một chính sách đưa ra nên được lòng dân, thể hiện sự công khai, minh bạch, có sự tham gia góp ý của nhân dân. Nếu được sự ủng hộ của Trung ương và người dân TP, tôi nghĩ hoàn toàn có thể triển khai được”, TS Tín đề nghị.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lưu ý đến dụng ý cắt giảm ngân sách TP.HCM được giữ lại từ 23% xuống 18% của Trung ương. Theo PGS.TS Ngãi, việc điều tiết ngân sách trên hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của TP.HCM.
Thứ nhất, TP.HCM có lợi thế về kinh tế nên nguồn thu sách lớn, trong khi đó các tỉnh thành khác còn rất nhiều khó khăn, cần phải chia sẻ để cùng nhau phát triển.
Thứ hai, việc tập trung nguồn lực để phát triển TP.HCM sẽ gây ra hệ lụy rất lớn mà hiện nay đang gặp phải như là kẹt xe, ngập nước, tệ nạn xã hội… Sự chênh lệch giữa TP.HCM và các tỉnh thành khác là động lực cho việc di cư ào ạt vào TP nên hệ lụy đó không thể tránh khỏi.
Thứ ba, việc cắt giảm trên buộc TP.HCM phải tính toán lại các dự án, nếu hiệu quả thì tiếp tục đầu tư, nếu không thì dừng.
“Tôi ví dụ hệ thống Metro (mặc dù nguồn vốn vay) có thực sự hiệu quả không?. Một lượng vốn rất lớn, chi phí rất lớn cho việc phá vỡ cơ sở hạ tầng và nhà ở dân cư, trong khi đó nhiều tỉnh thành khác cần tiền để làm đường bộ chắc chắn hiệu quả nhưng không có tiền để làm. Việt Nam không thiếu đất đất để phát triển, tại sao chỉ tập trung vào TP.HCM? TP càng phát triển dân các nơi lại càng đổ về. Không còn cách nào để giải quyết vấn đề kẹt xe ở TP.HCM hơn là ưu tiên phát triển các tỉnh thành xung quanh TP”, PGS.TS Ngãi nêu vấn đề.
Từ những phân tích trên, Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Nông lâm TP.HCM đề nghị, TP cần phải có giải pháp khác cho nguồn thu, gìn giữ đất công cho việc phát triển các dự án công sau này, tránh tình trạng cần đất để thực hiện công trình công cộng lại thu hồi của dân.
“TP.HCM chưa đến mức độ phải bán tài sản công để tạo nguồn thu ngân sách. Việc làm trên khó tạo được niềm tin của người dân”, PGS.TS Ngãi nói thẳng.