Home / Tin tức / Bản tin công ty / Những Vấn Đề Xung Quanh Việc Giám Định Và Phân Chia Tài Sản

Những Vấn Đề Xung Quanh Việc Giám Định Và Phân Chia Tài Sản

Những Vấn Đề Xung Quanh Việc Giám Định Và Phân Chia Tài Sản

Quyền đề nghị giám định, định giá tài sản theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Kết luận giám định, định giá tài sản là một trong những nguồn chứng cứ có ý nghĩa là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng vụ án đó xem xét áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Bộ luật hình sự (BLHS) trong việc điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ sót lọt tội phạm, không làm oan người không có tội.
Với phương diện tiếp cận là quyền của bị can, bị cáo, bị hại theo điểm g khoản 2 Điều 60; điểm d khoản 2 Điều 61; điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015 có quy định:“Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;”. Đồng thời cũng là quyền của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vụ án, tại điểm đ khoản 2 Điều 63; điểm đ khoản 2 Điều 64 và điểm c khoản 2 Điều 65 BLTTHS năm 2015, nhưng nhà làm luật quy định:

“Yêu cầu giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

Sở dĩ có sự khác biệt về cách sử dụng thuật ngữ “đề nghị” với “yêu cầu” như vừa đề cập, là do xuất phát từ chủ thể thực hiện quyền tiến hành tố tụng. Mà theo đó, để quy kết trách nhiệm hình sự đối với người bị buộc tội trong những trường hợp cần kết luận giám định, định giá tài sản, thì Nhà nước phải chịu chi phí tố tụng, điều này được quy định tại Điều 136 BLTTHS năm 2015.
Còn đối với đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong trường hợp đề nghị của họ không được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

“Vấn Đề Xung Quanh Việc Giám Định Và Phân Chia Tài Sản Gia Đình”

Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012:
Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”
Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin được đề cập đến tính khả thi của quy định

Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật” 

Với góc độ tiếp cận là quyền của bị can, bị cáo, bị hại
Thứ nhấtvề quyền được đề nghị giám định, định giá tài sản
Theo quy định , đây là quyền của bị can, bị cáo, bị hại hoặc đại diện của họ. Xoay quanh quy định này hiện có những cách hiểu khác nhau sau:
+ Cách hiểu thứ nhất: Theo quy định tại Điều 15 BLTTHS năm 2015: Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội..

Theo quy định giám định, định giá tài sản theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

Bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của bị hại không cần thiết phải đề nghị giám định, định giá tài sản, vì đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết vụ án, nên họ tự biết mình phải làm gì để tìm ra sự thật khách quan vụ án. Mặt khác, theo quy định tại Điều 206 BLTTHS năm 2015, mà theo đó, các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, bao gồm:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.

Riêng về định giá tài sản,

trước đây BLTTHS năm 2003; Nghị định 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ, về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (viết tắt Nghị định 26/2005/NĐ-CP); Thông tư 55/2006/TT-BTC, ngày 22/6/2006 của Bộ Tài chính, hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 26/2005/ND-CP, tuy không có quy định các trường hợp cụ thể phải định giá tài sản, nhưng thực tiễn xét xử cho thấy mọi trường hợp bị thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra là căn cứ để xác định cấu thành tội phạm cụ thể theo quy định của BLHS, thì đều phải yêu cầu định giá tài sản, chẳng hạn với các tội phạm được quy định trong BLHS năm 2015, như:
– Tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” (Điều 172);
– tội “Trộm cắp tài sản” (Điều 173);
– tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174);
– tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đạot tài sản” (Điều 175);
– tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” (Điều 176);
– tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178);….
Với tinh thần đó, BLTTHS năm 2015, tuy có các quy định liên quan về định giá tài sản tại các điều 215, 216, 217, 218, 219, 220 và 221, nhưng không quy định cụ thể các trường hợp buộc phải định giá tài sản, điều này cũng phù hợp với lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống tôi phạm, bởi để thực hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm, tìm ra sự thật khách quan vụ án, việc ra quyết định trưng cầu giám định hoặc yêu cầu định giá tài sản không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ pháp lý của cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Hơn nữa, tại khoản 4 Điều 215 BLTTHS năm 2015 có quy định:

“Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.

Do vậy, cũng không cần thiết phải quy định bổ sung quyền của bị hại và đại diện hợp pháp của họ theo như điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015. Bởi kết luận giám định, định giá tài sản trong vụ án hình sự là nguồn chứng cứ, mà theo đó, trong những vụ án cụ thể nếu không có nguồn chứng cứ này thì cơ quan tiến hành tố tụng không thể có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đúng theo quy định của pháp luật.

+ Cách hiểu thứ hai: Vì đó là quyền của bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của bị hại, nên cần phải được quy định rõ trong luật để đảm bảo sự logic và thể hiện sự tôn trọng quyền con người, quyền công dân của Nhà nước ta, dù trên thực tế quyền đó đương nhiên được cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.

“Giám Định Và Phân Chia Tài Sản”

Xuất phát từ thực tiễn xét xử, theo quan điểm của tác giả, việc nhà làm luật ghi nhận quyền được đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tiến hành giám định, định giá tài sản để phục vụ việc điều tra, truy tố, xét xử người bị buộc tội là rất cần thiết là điều không thể thiếu đối với nền tư pháp văn minh.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở nội dung đề nghị giám định, định giá tài sản thì chưa đủ và trong nhiều trường hợp dẫn đến sự “bế tắc” trong quan điểm xử lý giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với nhau và cả những người cùng tiến hành tố tụng trong vụ án đó với phía bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của bị hại, bởi nếu trường hợp bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của bị hại không đồng ý với kết quả giám định, định giá tài sản lần đầu thì họ có quyền đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại, định giá lại tài sản hoặc đề nghị giám định bổ sung hoặc định giá bổ sung tài sản không? Nếu không thì tại sao?

Câu trả lời chắc chắn sẽ là do luật không quy định! Nhưng tại sao nhà làm luật không quy định cho họ có quyền đề nghị giám định lại, định giá lại tài sản hoặc quyền đề nghị giám định bổ sung, định giá bổ sung tài sản?

Quyền đề nghị giám định bổ sung

Như vậy, đối chiếu với các quyền được liệt kê từ điểm a đến điểm o khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015, người bị hại không có quyền được đề nghị giám định bổ sung! Nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xem xét chấp nhận yêu cầu của họ vì hợp lý. Đó là chưa kể đến trường hợp còn có tổ chức giám định áp dụng “nhầm” văn bản để kết luận giám định, đó là, lẽ ra kể từ ngày 15/8/2014 các tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần khi thực hiện việc giám định phải căn cứ vào Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014, quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, nhưng lại áp dụng quy định tại Thông tư số 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTB&XH, ngày 27/9/2013 của Bộ Y tế – Bộ Lao động thương binh và Xã hội quy định tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích, bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp.

Tuy giữa các bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích, do bệnh tật của hai Thông tư này nhiều nội dung giống nhau, nhưng cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đó là không giống nhau, cụ thể: Nếu như căn cứ pháp lý được viện dẫn tại Thông tư 20/2014/TT-BYT, gồm: Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13; Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp, thì với Thông tư 28/2013/TTLT-BYT-BLĐTB&XH, gồm: Bộ luật lao động số 10/2012/QH13; Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11; Nghị định 45/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013; Nghị định 31/2013/NĐ-CP, ngày 09/4/2014 của Chính phủ.
Trong khi đó, tại khoản 3 Điều 214; khoản 3 Điều 222 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định; đề nghị giám định bổ sung hoặc giám định lại….”; “Bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận định giá; đề nghị định giá lại…”. Từ đó có thể thấy, quy định như tại điểm g khoản 2 Điều 60; điểm d khoản 2 Điều 61; điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTH năm 2015 là không cần thiết, bởi đó là lẽ đương nhiên mà cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải làm, vì đó là quy định bắt buộc của luật. Chẳng hạn, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người bị buộc tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 138 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nay là Điều 173 BLHS năm 2015 , bên cạnh việc thu thập tài liệu chứng minh nguồn gốc tài sản, hóa đơn chứng từ (nếu có), quyền sở hữu hợp pháp của người bị hại về tài sản, …thì một trong những việc mà cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét đến, đó là xác định giá trị của tài sản bị trộm cắp theo người bị hại trình báo là bao nhiêu, để có cơ sở pháp lý xác định giá trị tài sản đó, theo quy định của pháp luật tố tụng phải có kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá. Để có kết luận định giá này, cơ quan điều tra không thể yêu cầu người bị khởi tố hoặc người bị hại phải thực hiện quyền đề nghị định giá tài sản. Vấn đề đặt ra, nếu cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu họ thực hiện quyền đề nghị định giá tài sản trong vụ án, nhưng họ không thực hiện, thì liệu rằng cơ quan tiến hành tố tụng có “xếp” hồ sơ vụ án lại không? Hay vẫn phải tiếp tục tiến hành hoạt động điều tra, vì theo nguyên tắc cơ bản ghi nhận tại Điều 15 BLTTHS năm 2015, trách nhiệm đó thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Chủ thể có trách nhiệm yêu cầu định giá tài sản trong những trường hợp như thế chính là cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vụ án đó, cụ thể hơn, đó là, Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng cơ quan điều tra (điểm d khoản 2 ; khoản 3 Điều 36 BLTTHS năm 2015). Nên việc quy định bị can, bị cáo, bị hại có quyền “đề nghị định giá tài sản theo quy định của pháp luật” tại điểm g khoản 2 Điều 60; điểm d khoản 2 Điều 61; điểm d khoản 2 Điều 62 BLTTHS năm 2015 là có sự chồng chéo lẫn nhau và rất thiếu tính khả thi.

Thứ hai,  liên quan đến quyền của bị can, bị cáo, bị hại về quyền của họ đối với kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 của các điều 214, 222 BLTTHS năm 2015, mà theo đó, bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến của mình về kết luận giám định kết luận định giá tài sản; được đề nghị giám định bổ sung, giám định lại; được đề nghị định giá lại tài sản. Trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trước hết, nội dung quy định trên chỉ quy định, cơ quan tiến hành tố tụng vụ án (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) có quyền không chấp nhận đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại, người tham gia tố tụng khác về kết luận giám định, kết luận định giá tài sản, nhưng căn cứ vào cơ sở pháp lý nào để họ từ chối đề nghị thì hiện luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan chưa quy định. Rõ ràng, đây là “kẽ hở” khá lớn. Lẽ ra khi quy định các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (Điều 206), thì nhà làm luật cũng cần đặt ra quy định các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng từ chối đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác về giám định bổ sung, giám định lại; định giá lại tài sản có như vậy mới bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng. Bởi luật lại không quy định cụ thể những trường hợp nào mà cơ quan tiến hành tố tụng không được từ chối đề nghị của họ, nghĩa là, nếu không “rơi” vào những trường hợp quy định đó thì được quyền không chấp nhận đề nghị giám định bổ sung, giám định lại; định giá lại. Cũng tại bởi do không được quy định cụ thể, nên rất có thể cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết đề nghị của đương sự theo cảm tính chủ quan, dễ dẫn đến tùy tiện, không theo một chuẩn mực nào. Thiết nghĩ để tránh bị lạm dụng cũng như kịp thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác liên quan đến nội dung này, các cơ quan tư pháp trung ương cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết vấn đề đã nêu, bởi không phải mọi trường hợp quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; giám định viên và cả hội đồng định giá đều luôn luôn đúng!

Thứ bacụm từ “người tham gia tố tụng khác” theo quy định tại Điều 214, Điều 222 BLTTHS năm 2015, được hiểu là những ai? Phải chăng là người đại diện của bị can, bị cáo, bị hại, người bào chữa, người mà bị hại hoặc đại diện của bị hại ủy quyền tham gia tố tụng? Sở dĩ phải nêu lên vấn đề như thế, bởi thực tế quy định tại khoản 2 Điều 60, Điều 61 BLTTHS năm 2015 chỉ đề cập đến quyền của bị can, bị cáo mà không quy định quyền của người đại diện cho họ. Theo quy định của pháp luật, người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi, không mắc các bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm do mình gây ra. So với BLTTHS năm 2003, BLTTHS năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “người đại diện hợp pháp”, mà chỉ dùng thuật ngữ “người đại diện”. Ví dụ: Bị hại hoặc người đại diện của họ (khoản 2 Điều 62); Người bào chữa do người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ lựa chọn;… Trong những trường hợp, bị can, bị cáo, bị hại là người khuyết tật nặng nhưng đã thành niên mà họ từ chối đề nghị trợ giúp pháp lý thì người đại diện của họ có được thực hiện quyền đề nghị trợ giúp pháp lý thay cho bị can, bị cáo, bị hại không? Đây là vấn đề còn đang tranh cãi bởi do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa hướng dẫn cụ thể. Thực tế cho thấy, người khuyết tật không đề nghị được trợ giúp pháp lý có nhiều lý do, như: trình độ hiểu biết pháp luật còn rất hạn chế, thiếu thông tin và nhận thức không đúng, không đầy đủ về ý nghĩa của hoạt động trợ giúp pháp lý, nhiều trường hợp họ còn cho rằng Trợ giúp viên pháp lý là “người” của công an, viện kiểm sát;  phần lớn họ thuộc đối tượng mù chữ hoặc tái mù chữ; … Do vậy, theo quan điểm của tác giả, pháp luật của Nhà nước ta cũng cần quy định cho phép người đại diện của người bị khuyết tật nặng thực hiện các quyền mà pháp luật hiện hành đã dành cho bị can, bị cáo, bị hại là đối tượng người khuyết tật nêu trên, có như vậy mới khẳng định tính nhân văn của nền tư pháp nước nhà, đó cũng là “điểm sáng”; tính ưu việt của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa nói chung, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta được thể chế hóa bằng những quy định cũ thể trong pháp luật hình sự nói riêng. Trong điều kiện pháp luật thực định chưa quy định rõ ràng, chắc chắn trong thực tiễn áp dụng sẽ gặp nhiều vướng mắc, nếu như không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể.
Trên đây là vài ý kiến của tác giả, qua nghiên cứu một số quy định của BLTTHS năm 2015 xoay quanh quy định liên quan đến quyền đề nghị giám định, định giá tài sản của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác. Rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi cùng Quí bạn đọc.

Nguồn bài viết: http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1991

 

Công ty Thẩm định Giám Định Giá tại TPHCM – Vaska Trân Trọng cảm ơn quý khách đã ghé thăm và ủng hộ dịch vụ của công ty

 

 

About adminvaska2018