Đến hẹn lại lên, càng gần đến ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp thì mối quan tâm lớn nhất với số đông người lao động làm công ăn lương là đón chờ mức thưởng Tết. Năm nay, nghề BĐS có mức lương và thưởng cao nhất thị trường.
Theo khảo sát về lương, thưởng từ gần 300 DN với hơn 100 nghìn người lao động thuộc 16 ngành trong phạm vi cả nước trong năm 2016 do Cty Tư vấn Macconsult công bố hồi tháng 12 vừa qua cho thấy, người làm quản lý/giám sát trong lĩnh vực BĐS và hàng không có mức lương trung bình cao nhất (khoảng 28 triệu đ/tháng); tiếp sau là nhóm nghề dược phẩm, tài chính và tiếp thị nhận lương từ 22 – 23 triệu đ/tháng.
Trong khi, nếu làm nhân viên, nghề tư vấn – hỗ trợ kinh doanh tiếp tục dẫn đầu với mức lương 7 triệu đ/tháng; nhân viên ngành công nghệ thông tin và nhân sự xếp sau với mức lương 6,5 triệu đ/tháng.
Về mức thưởng, nghề BĐS cũng dẫn đầu về thưởng, khi quản lý được thưởng bình quân 65 triệu đồng, chuyên viên nhận 16 triệu đồng, còn nhân viên là hơn 7 triệu đồng. Xếp tiếp sau về thưởng là nhóm nghề dược phẩm (từ 12 – 55 triệu đồng); nghề tài chính, tiếp thị, hàng không…
Theo đơn vị khảo sát, một số DN đã có kế hoạch tăng mức thưởng so với năm trước, nhưng cũng có nhiều DN sản xuất vẫn khó khăn, và bị ảnh hưởng bởi đợt tăng lương tối thiểu đầu năm 2016. Ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH nhận định tiền thưởng Tết năm nay có thể sẽ cao hơn năm trước do kinh tế có dấu hiệu hồi phục.
Theo ông Phạm Minh Huân, khoản này thực chất là thưởng cuối năm theo hiệu quả sản xuất kinh doanh. Khi doanh nghiệp quyết toán xong, thường rơi vào tháng Một, gần với dịp Tết Nguyên đán nên quen gọi là thưởng Tết.
Sự hồi phục mạnh mẽ của lĩnh vực BĐS kéo theo kết quả khả quan cho các DN xây lắp và sản xuất kinh doanh VLXD. Đa số các DN ngành Xây dựng đều khẳng định bảo đảm thanh toán được tiền lương cho người lao động và cố gắng duy trì có thưởng.
Tuy nhiên, mặt bằng tiền thưởng Tết năm nay không có sự khác biệt so với năm trước, với mức bình quân khoảng 1 tháng lương bởi dẫu công việc ổn định hơn năm trước nhưng nguồn thu vẫn phụ thuộc vào thanh khoản từ chủ đầu tư. Cá biệt có những đơn vị như Cty Viglacera Tiên Sơn dẫn đầu khối sản xuất gạch ốp lát với mức thưởng tương đương 02 tháng lương, cao hơn mức thưởng 1,6 tháng lương cùng kỳ năm ngoái.
Anh Nguyễn Hoàng – kỹ sư xây dựng công tác tại Cty Tư vấn Xây dựng chia sẻ: So với mọi năm thì đời sống người xây dựng Tết này cũng có phần ổn định. Dù Cty chưa công bố mức thưởng nhưng việc trả lương đúng hạn cộng với mặt bằng thị trường tiêu dung ổn định cũng đủ để người lao động yên tâm làm việc. Một dấu hiệu nữa để có thể lạc quan về khoản thưởng Tết sẽ có khi mà mới qua rằm tháng Chạp, Cty mẹ đã tổ chức tiệc tất niên tổng kết năm rất ấm cúng và đông đủ.
Đại diện Công đoàn Xây dựng Việt Nam cho biết đến thời điểm này chưa có đơn vị nào báo cáo về vấn đề thưởng Tết nhưng nhìn chung năm 2016 là năm ổn định về đời sống và việc làm trong toàn ngành nên khó có sự bất thường nào xảy ra với việc người lao động ngành Xây dựng đón Tết cổ truyền trọn vẹn ý nghĩa.
Đánh giá về năm 2016, Bộ LĐTB&XH cho rằng, kinh tế đất nước dù ổn định nhưng vẫn còn khó khăn, nhưng các DN vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương cho người lao động. Theo đó, tiền lương bình quân năm 2016 ước 5,7 triệu đ/tháng (tăng 7,5% so với năm trước). Trong đó, khối DN Nhà nước vẫn dẫn đầu về lương, với mức bình quân hơn 7 triệu đ/tháng; DN có vốn góp Nhà nước là 6 triệu đồng/tháng; DN dân doanh chỉ hơn 5,4 triệu đ/tháng; DN FDI ước 5,6 triệu đ/tháng.
Báo Xây dựng