Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn (SGHI Corp) vừa đề xuất với UBND TP.HCM xin triển khai dự án tái định cư ven bờ nam Kênh Đôi quận 8 nhằm chỉnh trang đô thị theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) với tổng số vốn lên đến gần 9.300 tỉ đồng.
Được biết, trên địa bàn Quận 8 bị chia cắt với các quận khác thông qua hệ thống kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, dài 45km kênh rạch, trải đều 16 phường với 12.389 căn nhà lụp xụp, ven kênh rạch. Đến năm 2020, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu tập trung ở hai bên bờ kênh Đôi với tổng số 5.352 căn, từ phường 1 đến phường 7 của bờ Nam và 5 phường của bờ Bắc.
Các căn nhà này hiện nằm hoàn toàn trên kênh rạch, nền móng được chống đỡ tạm bợ, chắp vá, với nguy cơ sạt lở vào mùa mưa. Chưa kể, hầu hết các nhà ở dạng này đều xây trái phép, không phép, hiện trạng lụp xụp và không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, không có hệ thống nước thải sinh hoạt, nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh rạch, gây ô nhiễm ngày càng nặng. Nhiều tuyến kênh dù đã được cải tạo ven bờ, nạo vét thường xuyên nhưng vẫn tồn tại tình trạnh nước đen ngòm và ô nhiễm.
Theo tờ trình của quận 8 và được UBND TP.HCM giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, cơ bản sẽ di dời toàn bộ số nhà lụp xụp nằm trên và ven hai bờ kênh. Thực hiện phương án này sẽ phải di dời một số lượng lớn nhà và người dân bị ảnh hưởng, tổng mức bồi thường ước tính khoảng 13,7 ngàn tỷ đồng.
Theo phương án đề xuất của SGHI Corp là doanh nghiệp này sẽ tự sắp xếp vốn thực hiện dự án theo hình thức PPP cho toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các hộ có nhu cầu nhận tiền bồi thường, hỗ trợ tự lo nơi ở mới, sắp xếp nguồn vốn mua quỹ nhà tái định cư, nhà ở xã hội có sẵn tại quận 8 cho các hộ dân bị ảnh hưởng của dự án.
Bù lại, nhà đầu tư sẽ đưa ra phương thức hoàn vốn dựa trên cơ sở xác định giá trị quỹ đất của dự án sau khi di dời theo cơ chế giá thị trường để hoàn vốn cho họ. Nếu giá trị quỹ đất tại dự án không đủ để hoàn vốn, thì TP.HCM sẽ giao một số khu đất khác cho nhà đầu tư, hoặc sẽ trích một phần ngân sách để “đắp” vào.
Cũng cần nói thêm, con số 9.232 tỷ đồng nói trên là khái toán đầu tư áp dụng cho phương án có khoảng lùi 20 m tính từ mép kênh kết hợp với đầu tư chỉnh trang đô thị. Riêng, nếu chọn phương án có khoảng lùi 30 m thì chỉ mất khoảng 7.367 tỷ đồng.
Ngoài các thành viên góp vốn, SGHI Corp còn hợp tác theo hình thức liên doanh, liên kết với các đối tác ngoại gồm Công ty TNHH Dragon Capital Group thuộc Tập đoàn Dragon Capital của Hồng Kông và Anh quốc; Công ty Capitaland Holdings (Việt Nam) thuộc Tập đoàn Capitaland có trụ sở tại Singapore.
Theo tìm hiểu, SGHI Corp có địa chỉ ở 271/7B An Dương Vương, phường 3, quận 5, TP.HCM (cùng địa chỉ với Công ty CP Đức Khải), người đại diện pháp luật là ông Phạm Văn Lai. Doanh nghiệp này mới được cấp phép ngày 18/7/2016, hoạt động từ ngày 20/7/2016.
Một nguồn tin khác cho hay, tham gia sáng lập SGHI Corp, cổ đông có vốn góp lớn nhất chính là Công ty CP Đức Khải, chiếm 40%, kế đến là Tổng công ty CP Đền bù giải tỏa chiếm 25% (cũng trực thuộc công ty Đức Khải). 35% vốn cổ phần còn lại thuộc về Công ty CP Five Brothers 10%, cá nhân bà Huỳnh Hạnh Thu 10%, và bà Lý Thị Anh Thư 15%.
Theo Cafef